CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔNG HƯNG

http://donghungcorp.vn


Thị trường tôn thép phía Nam: Giá liên tục điều chỉnh

Liên tục điều chỉnh giá theo chiều hướng đi lên, nguồn cung không dồi dào, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp đều dè dặt là những nét chính tại thị trường tôn thép các tỉnh phía Nam hiện nay.
Mặc dù đã bắt đầu bước vào mùa xây dựng cuối năm ở miền Nam, song theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, nhiều công trình đã giãn tiến độ do giá vật liệu xây dựng như tôn, thép không ngừng tăng cao.
 
theo vuong

Một chủ thầu xây dựng tại huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, các công trình do ông đầu tư đều tạm ngưng từ hai tháng nay. Còn các công trình nhận xây dựng mà bao vật tư đã có dấu hiệu "âm vốn". Giá vật liệu hiện tăng quá cao khiến hợp đồng công trình đã ký từ vài tháng trước đều bị lỗ. Không thi công tiếp thì phá vỡ hợp đồng, còn tiếp tục thì bị đội vốn, không còn lãi, thậm chí sẽ lỗ nặng nếu giá vẫn leo thang.

Theo phản ánh của các chủ cửa hàng, khoảng 3 tháng nay, giá mặt hàng tôn, thép không ngừng gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, giá đã ở mức đỉnh trong khoảng hai năm trở lại đây. Ông Nguyễn Đức Giang - Giám đốc Nhà máy Tôn Nguyễn Đức Anh Khoa - cho hay, do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, giá tôn trong nước đã tăng gần 30% trong quý III. Các thương hiệu lớn như Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, TVP, Đông Á… hiện đều niêm yết giá chênh tới 4 triệu đồng/tấn so với quý II.

Dự báo giá tôn có khả năng vẫn giữ ở mức cao do mùa xây dựng cuối năm đã bắt đầu. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc có quy định nghiêm ngặt về cắt giảm sản lượng các ngành sản xuất gây ô nhiễm như thép. Do đó, từ giờ tới cuối năm, giá các mặt hàng liên quan đến thép khó có cơ hội giảm mạnh. Cũng theo ông Giang, giá cao khiến tình hình tiêu thụ trở nên khó khăn do tâm lý dè dặt của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, lợi nhuận của các nhà thương mại cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn cử, là một trong những doanh nghiệp tôn hàng đầu ở Long An, công ty ông Giang mỗi tháng phải nhập hàng trăm tấn tôn nguyên liệu.

Xu hướng này cũng xảy ra đối với mặt hàng thép xây dựng, thép mạ kẽm. Theo thông báo của Công ty CP Thép Nam Kim, nguyên liệu cán nóng và cán nguội đang biến động mạnh do lo ngại vào mùa cao điểm tiêu thụ thép quý IV. Giá nguyên liệu cán nóng nhập khẩu đang chào lên đến 615 - 626 USD/tấn. Do đó, thương hiệu này đã điều chỉnh nâng giá bán cả hai sản phẩm tôn và thép.

Nhiều doanh nghiệp thép tại phía Nam cho biết, hiện chỉ nhập hàng trữ trong 1 tháng thay vì 3 tháng như trước đây, số lượng mã hàng trữ cũng không đa dạng. Vì vậy, các nhà thương mại phải nhập nhiều mã hàng từ nhiều nhà phân phối khác nhau, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên trong khi lợi nhuận lại suy giảm. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - phân tích: Trong quý III/2017, giá các sản phẩm thép có sự biến động mạnh theo chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân do tháng 5 và 6 vừa qua, các doanh nghiệp thép đã đua nhau giảm giá sâu để kích cầu, trong khi vật liệu, giá thành phẩm thế giới tăng. Vì vậy, bước sang tháng 7, các doanh nghiệp thép đã điều chỉnh lại để cân đối lợi nhuận cho phù hợp chứ không hẳn do nguồn cung khan hiếm.

Theo dự báo của VSA, các tháng cuối năm nhu cầu thép sẽ tăng hơn so với quy III/2017. Bên canh đó, trong quý vừa qua, nhiều đại lý đã thu mua thép để dự trữ và có khả năng xả hàng trong quý IV.
Sưu tầm