Nhiều vướng mắc đầu tư theo hình thức PPP

Thứ hai - 13/03/2017 14:44  |  1463
Được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, thế nhưng hiện hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
 
tại hoi thao
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng quy định về đầu tư theo hình thức PPP đang gặp nhiều vướng mắc - Ảnh: Hùng Lê
 
Những vướng mắc này được ghi nhận tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư diễn ra ngày 10-3-2017 tại TPHCM do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
 
Xung đột pháp lý
 
Tại hội thảo này, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn nhà đầu tư đều cho rằng còn rất nhiều rào cản, vướng mắc mang tính xung đột pháp lý  trong việc thực hiện dự án PPP, dẫn đến nhiều đơn vị đã không lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP.
 
Cụ thể, đại diện các cơ quan thực thi như Sở Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào các luật như : Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,...  từ bước chuẩn bị đến triển khai đầu tư, vận hành và khai thác dự án. Trong khi đó, những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư dự án công.
 
Các đại biểu  nêu vướng mắc khi thực hiện dự án BOT (xây dựng- kinh doanh-chuyển giao). Nghị định 15/CP cho phép khi dự án BOT có nhà đầu tư nước ngoài thì được áp dụng luật nước ngoài nhưng hiện những vấn đề liên quan đến đất đai theo quy định của Luật Đất đai vẫn không thể thống nhất là sẽ được áp dụng thế nào.
 
Hay theo Nghị định 15 và Nghị định 30, thẩm định hoạt động đấu thầu để  lựa chọn nhà đầu tư dự án BT (xây dựng- chuyển giao) về nhà ở là trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, điều 14 Nghị định 99/CP (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) lại giao việc này cho Sở Xây dựng,...
 
Do hình thức đầu tư PPP chỉ được điều chỉnh ở mức nghị định, các nhà đầu tư quan ngại về tính ổn định của chính sách. Theo nhà đầu tư, một dự án PPP có thời gian đầu tư tương đối dài, trong khi trong vòng vài năm có đến vài nghị định điều chỉnh. Việc chuyển tiếp từ nghị định này sang nghị định khác khiến nhà đầu tư rất lúng túng và các sở, ngành quản lý dự án cũng vướng trong việc áp dụng.
 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa  cho rằng việc xử lý chuyển tiếp giữa các nghị định gây nhiều khó khăn như Nghị định 108 quy định thời điểm quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư là 30 ngày sau khi công bố dự án (sơ bộ hoặc đề xuất), chưa cần lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
 
Nếu chỉ có một nhà đầu tư đề xuất thì được chỉ định nhà đầu tư. Trong khi đó, Nghị định 30 lại quy định thời điểm quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư là sau khi sơ tuyển nhà đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi đã phê duyệt) chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển.
 
Thời gian từ lúc  công bố danh mục dự án đến khi lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi là rất dài, có khi lên đến cả hai năm. Khi dự án bị xử lý chuyển tiếp theo Nghị định 15 thì chỉ có các nhà đầu tư "đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư" hoặc "hợp đồng được ký tắt" trước ngày Nghị định 15 có hiệu lực mới không phải lựa chọn nhà đầu tư lại.
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đây là nguyên nhân chính mà một số dự án tại địa phương này, dù  đã được UBND tỉnh "chỉ định nhà đầu tư" theo Nghị định 108 trước đó, vẫn  phải xin lại ý kiến Thủ tướng để được... cho phép. Sự vụ rất phiền phức, phức tạp.
 
Do vậy, cả Nhà nước và tư nhân đều gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; trong việc giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là quản lý phần vốn góp của Nhà nước; trong việc giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; trong việc thực hiện các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư.
 
Theo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong hai năm vừa qua, các dự án PPP chủ yếu là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai khung pháp lý (hai nghị định nói trên); những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án - lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư.
 
Nhiều khó khăn khác
 
ong tran viet dung
Ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng PPP cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện PPP - Ảnh: Hùng Lê
 
Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng hình thức đầu tư PPP không chỉ đang bị điều chỉnh bởi nhiều luật, mà còn đang bị chồng lấn với hình thức xã hội hóa, phạm vi áp dụng xã hội hóa chưa được phân định rõ với PPP, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi lựa chọn mô hình đầu tư.
 
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra những yếu kém khác như năng lực cán bộ thực hiện còn yếu, vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn tín dụng thương mại có thời hạn ngắn hoặc đòi hỏi các cơ chế bảo lãnh.
 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư ở Đồng Nai cũng nêu khó khăn của mình về năng lực nguồn nhân lực. Theo vị này, với dự án từ 120 tỉ đồng trở lên (có sử dụng đất) theo quy định thì phải đấu thầu quốc tế. Trong khi  đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai chỉ có vài người biết "lỏm bỏm" tiếng Anh và để hiểu biết được những quy định chuyên ngành về PPP thì không có người, nên sẽ không tìm đâu ra người giỏi tiếng Anh đứng ra tổ chức đấu thầu quốc tế. Không riêng địa phương ông mà các địa phương khác cũng gặp khó khăn tương tự, trong khi hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức PPP đều có quy mô vốn lớn.
 
Bên cạnh đó, trong đấu thầu để khai thác quỹ đất, nhà đầu tư phải chào luôn tiền giải phóng mặt bằng, trong khi quy định giải phóng mặt bằng hiện nay là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Tại hội thảo, các ý kiến cũng nêu lên những thắc mắc, như trường hợp Nhà nước vẫn giao các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp công ích thực hiện cung cấp dịch vụ công mà Nhà nước phải đảm bảo (thông qua các cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ) thì các đơn vị này có được coi là một bên ký kết hợp đồng với đối tác tư nhân được lựa chọn hay không.
 
Vấn đề nguồn vốn cho dự án PPP cũng gặp nhiều khó khăn bởi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương ít được phân bổ cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP và việc huy động vốn tín dụng thương mại cho dự án PPP không dễ. Các ý kiến đề xuất Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho các nhà thầu được vay tín dụng dài hạn nước ngoài,...
Hùng Lê (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Bệnh Viện Đa khoa Tỉnh Lạng Sơn

    Bệnh Viện Đa khoa Tỉnh Lạng Sơn

    Được xây dựng trên diện tích 25 ha của thôn Phai Trần ( Thành phố Lạng Sơn) và một phần thuộc xã Hợp Thành ( Cao Lộc).

  • Dự án Cầu Linh Cảm Hà Tĩnh

    Dự án Cầu Linh Cảm Hà Tĩnh

    Cầu Linh Cảm được xây dựng bằng BTCT và BTCT DƯL vĩnh cửu, có chiều dài 370m bắc qua sông La nằm trên QL15A tại địa phận Huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh.

  • Công trình thuỷ điện Sơn La

    Công trình thuỷ điện Sơn La

    Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau thủy điện Lai Châu và...

  • Dự án chung cư 125 Hoàng Ngân

    Dự án chung cư 125 Hoàng Ngân

    Tổ hợp Hoàng Ngân Plaza tọa lạc tại số 125 Phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. được thiết kế hài hòa là sự kết hợp...

  • Khu biệt thự cao cấp Tây Đô Villas

    Khu biệt thự cao cấp Tây Đô Villas

    Tây đô Villas nằm trong khuôn viên của khu đô thị Dương Nội có tổng diện tích là 109.9ha, trong đó tổng diện tích của khuôn viên 1959 căn biệt thự là...

  • Trung tâm thương mại và phố chợ Đô Nghĩa

    Trung tâm thương mại và phố chợ Đô Nghĩa

    Nằm trong tổng thể khu đô thị mới Dương Nội, tiếp giáp giữa giao lộ Đường Vành đai 4 và đường Lê Văn Lương kéo dài. Trung tâm thương mại Phố chợ Đô...

Video